Không chỉ mang đến cho người dùng những thay đổi mới mẻ, Google còn tối ưu trải nghiệm cho người dùng trên phiên bản Android Q. Hãy cùng NewTechshop tìm hiểu xem phiên bản mới nhất này của Android có những tính năng gì nổi bật nhé.
Android Q là gì?
Tương tự như Apple với hệ điều hành iOS, mỗi năm Google sẽ phát hành một phiên bản Android lớn với số thứ tự tăng dần, kèm theo đó là tên gọi dựa vào chữ cái đầu của một món ăn tráng miệng xếp theo thứ tự bảng chữ cái Alphabet. Theo quy luật đó hệ điều hành Android 10 sẽ có tên là Android Q.
Chẳng hạn như, Android O được viết tắt từ Android 8 Oreo, Android N được viết tắt từ Android 7 Nougat và Android P là Android 9 Pie. Vậy bạn có đoán được với Android 10 thì chữ Q sẽ đại diện cho loại bánh kẹo nào không?

Ngày ra mắt Android Q?
Lịch sử ra mắt các phiên bản Android
- Android 1.5 Cupcake (tháng 4 năm 2009).
- Android 1.6 Donut (tháng 9 năm 2009).
- Android 2.0 Eclair (tháng 10 năm 2009).
- Android 2.2 Froyo (tháng 5 năm 2010).
- Android 2.3 Gingerbread (tháng 12 năm 2010).
- Android 3.0 Honeycomb (tháng 2 năm 2011).
- Android 4.0 Ice Cream Sandwich (tháng 10 năm 2011).
- Android 4.1 Jelly Bean (tháng 7 năm 2012).
- Android 4.4 KitKat (tháng 10 năm 2013).
- Android 5.0 Lollipop (tháng 11 năm 2014).
- Android 6.0 Marshmallow (tháng 10 năm 2015).
- Android 7.0 Nougat (tháng 8 năm 2016).
- Android 8.0 Oreo (tháng 8 năm 2017).
- Android 9.0 Pie (tháng 8 năm 2018).
Các bạn cũng có thể thấy theo như lịch sử phát hành 3 phiên bản mới nhất của Android Q đều rơi vào tháng 8. Trên thực tế hiện tại chúng ta cũng đã có bản Android Q Beta thì rất có thể bản chính thức sẽ 1 lần nữa rơi vào tháng 8 năm nay.
Những thiết bị nào sẽ được cập nhật Android Q?
Hiện tại vẫn chưa có đủ thông tin để kết luận rằng Android Q sẽ được trang bị trên các dòng thiết bị nào. Tuy nhiên, Google Pixel 4 có lẽ là sản phẩm được trang bị Android Q đầu tiên, song song đó các dòng Pixel tiền nhiệm dự kiến cũng sớm được cập nhật. Về phía những thiết bị của bên thứ ba, dòng smartphone cao cấp có thể sẽ tiếp tục là đối tượng được ưu tiên trong việc nâng cấp hệ điều hành mới.

Ngoài những chiếc flagship, nhiều mẫu điện thoại có giá thấp hơn cũng hứa hẹn sẽ được trang bị Android Q. Những thiết bị này chủ yếu là các mẫu Android One đến từ các nhà sản xuất như Nokia, Motorola và Xiaomi.
Bên cạnh đó với việc sử dụng Android stock, các thiết bị chạy Android One sẽ dễ dàng được lên đời phiên bản Android mới mà không mất quá nhiều thời gian trong việc tùy chỉnh giao diện, phần mềm hoặc ứng dụng để cập nhật và kiểm tra tính tương thích.
Tính năng mới của Android Q
Chế độ Desktop – Biến điện thoại thành máy tính
Bên cạnh việc phát triển và cải tiến hệ điều hành Android nhằm hỗ trợ những chiếc smartphone màn hình gập trong tương lai, Google cũng đang nỗ lực giúp smartphone Android thay thế máy tính bằng tính năng Desktop. Hiện tại, các lập trình viên đã có thể thử nghiệm chế độ Desktop trên phiên bản Android Q beta vừa ra mắt.

Chế độ Desktop trên Android Q sẽ giống với Samsung Dex, cho phép kết nối với nhiều màn hình ngoài để có thể làm việc tương tự như một chiếc máy tính để bàn.
Việc kết nối cũng rất đơn giản, chỉ cần một sợi cáp chuyển đổi từ USB-C sang HDMI để xuất hình ảnh ra màn hình ngoài. Tuy nhiên hiện tại, số lượng các ứng dụng hỗ trợ tính năng này vẫn chưa nhiều, do đó sẽ cần thêm thời gian để các lập trình viên phát triển ứng dụng của họ.
Thao tác cử chỉ
Trong số những tính năng mới của Android Q Beta 3, có một thay đổi quan trọng và được dự đoán là sẽ gây tranh cãi nhất của Android Q đó là thao tác điều hướng hoàn toàn mới. Năm ngoái, Google từng mang đến cho Android P một vài thao tác điều hướng cử chỉ, tuy nhiên nó không thật sự hữu ích. Năm nay để giải quyết vấn đề đó Android quyết định mô phỏng lại gần như hoàn toàn hệ thống điều hướng cử chỉ của Google. Và đồng thời Google cũng quyết định thay thế vị trí cho nút Home và Back là một thanh nhỏ hơn trên màn hình và thiết kế này trông giống hệt iPhone.
Cách thức thao tác điều hướng trên Android Q cũng tương tự iPhone. Người dùng sẽ hất từ mép dưới màn hình để về màn hình chính và kéo từ mép dưới rồi giữ để vào trang đa nhiệm. Thậm chí, người dùng còn có thể vuốt trái/phải thanh điều hướng để chuyển qua lại giữa các ứng dụng.

Hệ thống điều khiển này không chỉ quen thuộc với những người có kinh nghiệm dùng iPhone mà rõ ràng khi so sánh với sự kết hợp giữa các nút và thao tác vuốt trên Android Pie, nó phù hợp và dễ sử dụng hơn. Bên cạnh đó, chất lượng hình ảnh động cũng được cải thiện nhiều hơn so với phiên bản hệ điều hành thứ 9 trước đó. Qua những gì được hiển thị, người dùng có thể cảm nhận sự mượt mà và trơn tru. Google chỉ thử nghiệm hệ thống mới trên Pixel 3, tuy nhiên nó được khẳng định sẽ hoạt động tốt trên các điện thoại có cấu hình thấp hơn.
Với sự hoàn thiện này, đây có thể sẽ là hệ thống cử chỉ tiêu chuẩn sẽ được Google áp dụng lên tất cả các biến thể của thiết bị sử dụng Android Q để đảm bảo tính nhất quán. Tuy nhiên thao tác cử chỉ này của Android Q được dự đoán sẽ tạo ra vấn đề tương thích với các ứng dụng có menu vuốt từ mép trái màn hình (ví dụ như Play Store) hay các tính năng phụ trợ được nhà sản xuất bổ sung (ví dụ như màn hình cạnh Edge Screen của điện thoại Samsung).
Hệ thống bảo mật
Mỗi năm, Google sẽ cố gắng làm điều gì đó mới để cập nhật hệ điều hành Android giúp nó chạy nhanh và ổn định hơn. Năm nay, hãng hướng tới các bản cập nhật bảo mật.
Ở phiên bản Android Pie, một số tính năng bảo mật đã được bổ sung và “tân trang” cho phép người dùng có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các quyền của ứng dụng. Với bản dựng Android Q bị rò rỉ, các quyền này đã được củng cố hơn nữa, giúp người dùng có thể hạn chế các ứng dụng sử dụng vị trí trong nền,…
Theo đó, người dùng có thể linh hoạt hơn trong việc cấp phép quyền truy cập cho các ứng dụng với các chế độ như: cho phép mọi lúc, chỉ cho phép khi ứng dụng đang chạy hoặc từ chối.
Bên cạnh đó, người dùng còn có thể theo dõi xem những ứng dụng đang truy cập những thông tin nào từ thiết bị hay thống kê các quyền đang được nhiều ứng dụng sử dụng nhất.
Thêm tính năng nhận dạng bằng gương mặt
Theo nguồn tin mới nhất, Google sẽ tham gia vào đường đua bảo mật trên smartphone với việc tích hợp tính năng nhận dạng khuôn mặt trên phiên bản Android Q sắp ra mắt của mình.
Người dùng sẽ có thể sử dụng công nghệ mới này để mở khóa điện thoại, mua hàng và đăng nhập vào ứng dụng. Bên cạnh đó, họ vẫn có thể đặt mật khẩu, mã PIN làm phương thức xác thực dự phòng nếu tính năng mở khóa bằng khuôn mặt không thành công.
Việc cập nhật tính năng bảo mật này trên hệ điều hành sẽ cho phép các nhà phát triển ứng dụng và các nhà sản xuất smartphone dễ dàng tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt vào ứng dụng và thiết bị của họ.
Chế độ tối (Dark theme)
Chế độ Dark Mode hiện đang là tính năng rất được người dùng yêu thích vì chế độ này giúp tiết kiệm pin, bảo vệ mắt và mang đến diện mạo mới cho thiết bị của người dùng. Bắt kịp xu hướng, Android Q dự kiến sẽ bổ sung tính năng này trên toàn hệ thống, cho phép người dùng dễ dàng bật/tắt thông qua menu cài đặt.
Bạn có thể tùy chỉnh kích hoạt tính năng này dựa trên thời gian thực hoặc bật/tắt thủ công nếu muốn. Khi được bật, tất cả các ứng dụng sẽ có tông màu xám đậm, trong khi các bảng cài đặt sẽ có nền màu đen.

Kiểm soát cho phụ huynh – Focus Mode
Năm ngoái, cả Google và Apple đều giới thiệu tính năng cho phép người dùng theo dõi lượng thời gian dành cho ứng dụng và đặt giới hạn thời gian cho chúng. Google cũng giới thiệu chế độ Wind Down, biến màn hình của bạn thành màu xám như một lời nhắc nhở nên đặt điện thoại xuống và đi ngủ.
Năm nay, Google đã mở rộng nó bằng cách tích hợp với tính năng cho phép phụ huynh kiểm soát hoạt động của người dùng là con cái, ngay trong hệ điều hành. Ví dụ như cha mẹ có thể cài đặt để đứa trẻ chỉ có đúng 5 phút thời gian sử dụng điện thoại theo ý muốn.
Bên cạnh đó là chế độ mang tên Focus Mode, tương tự nhưng tốt hơn chế độ “Không làm phiền” thông thường. Với chế độ này, người dùng có thể chọn danh sách các ứng dụng mà mình thấy mất tập trung hoặc hấp dẫn. Khi bật lên, các ứng dụng đó sẽ chuyển sang màu xám và thông báo của chúng bị ẩn đi.
Ý tưởng của Google là thay vì chờ đồng hồ hẹn giờ tắt và cảnh báo rằng bạn đã lãng phí rất nhiều thời gian trong một ứng dụng, người dùng có thể chủ động tự khóa mình khỏi nó ngay lập tức.
Live Caption
Tính năng này khi được kích hoạt sẽ tự động dịch và thêm phụ đề vào bất cứ video hoặc nhạc được phát trên smartphone với độ chính xác cao. Live Caption sẽ phủ trên bất kỳ ứng dụng nào mà người dùng đang sử dụng, từ YouTube, Instagram, Pocket Casts… cho tới các cuộc gọi video qua Skype và Google Duo. Thậm chí, nó còn hoạt động với cả video hoặc file âm thanh mà bạn tự quay lại.
Theo Google, tính năng này được tạo ra bằng công cụ máy học (machine learning) trên thiết bị nên có thể hoạt động mà không cần kết nối mạng. Nó cũng không cần gửi bất kỳ dữ liệu hoạt động nào của người dùng về máy chủ điện toán đám mây. Các dòng phụ đề xuất hiện trong một khung đen và bạn có thể di chuyển khung này trên khắp màn hình và đặt ở bất cứ nơi nào cảm thấy thuận tiện nhất. Thậm chí, tính năng này hoạt động ngay cả khi âm lượng của máy bị giảm hoặc tắt hẳn. Tuy nhiên, phụ đề không thể lưu lại được để xem lại. Chúng xuất hiện khi nội dung được phát và biến mất ngay sau khi phát xong.
Về cơ bản, tính năng này sẽ mang lại sự hỗ trợ rất lớn cho những người khiếm thính. Còn với người dùng bình thường, nó cũng có nhiều tác dụng trong các tình huống muốn xem video nhưng khó nghe được âm thanh.

Android Q và những điều bạn cần biết – Lời kết
Trên đây là những thông tin và tính năng trên hệ điều hành Android Q được rò rỉ cho đến hiện tại. Sẽ còn một thời gian nữa phiên bản Android thứ 10 mới chính thức ra mắt, do đó Google có thể sẽ thay đổi nhiều thứ trên hệ điều hành này so với bản dựng.
Bạn có kỳ vọng gì cho phiên bản mới mẻ này, hãy cùng để lại ý kiến của mình ở dưới phần bình luận nhé.
Có thể bạn quan tâm:
Thiết kế của iPhone 11 với cụm camera sau hình vuông và màn hình tai thỏ vừa được xác nhận?
LG V50 ThinQ: Giải pháp mở rộng theo xu hướng
Đánh giá Samsung S10 5G – Chuẩn mực mới cho điện thoại thông minh
5G là gì và mọi thứ bạn cần biết

Mình là Trương Hoàng – Founder & CEO của NewTech.
Tôi muốn KH tận hưởng công nghệ một cách tuyệt vời nhất, từ việc nâng cao hiệu suất công việc, cho đến có nhiều thời gian dành cho gia đình, giải trí,…